Đồng chí Lê Thị Bạch Cát, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1940 tại xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là phường Nghi Thủy, thành phố Vinh). Lên khi quê nhà đang bị thực dân Pháp và phong kiến kìm kẹp, sớm thấy cảnh trẻ em khát chữ, hoàn cảnh đó đã thôi thúc đồng chí Lê Thị Bạch Cát đến với nghề sư phạm và trở thành giáo viên thế hệ đầu của Trường phổ thông cấp 1, xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc từ năm học 1958 - 1959. Đến năm học 1960 - 1961, đồng chí trở thành giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh, đồng thời kiêm nhiệm giảng dạy tại Trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Từ tháng 2 năm 1962 đến tháng tháng 9 năm 1964, đồng chí Lê Thị Bạch Cát được điều động giảng dạy các trường: Thể dục Thể thao Trung ương và Sư phạm Thể dục Thể thao Bộ Giáo dục (nay là Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn - Bắc Ninh và Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội). Đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà và cũng là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành giáo dục thể chất bằng việc khởi xướng thành lập bộ môn “Văn hóa - Thể thao - Nhạc - Họa” tiền thân của khoa giáo dục thể chất của Trường Đại học Sư phạm Vinh (từ năm học 1960 - 1961).

Giảng dạy và hoạt động trong những năm đất nước đang sục sôi khí thế lao động, học tập và kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn quyết liệt nhất. Thanh niên miền Bắc đang thực hiện “Ba Sẵn Sàng”, xung phong vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”, tinh thần yêu nước cách mạng đã thôi thúc nữ giảng viên Lê Thị Bạch Cát viết một bức thư “bằng máu” gửi đến Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn Vũ Quang và Bộ trưởng Bộ Giáo dục (bấy giờ) là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với quyết tâm xin vào miền Nam để được sát cánh cùng đồng bào đánh giặc. Bức tâm thư khảng khái “...Em đi trả nghĩa để thầy/ Cầm viên phấn dắt dìu bầy em sau”. Bức “huyết thư” ấy đã đưa Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát gia nhập hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp bước cha anh hành quân vượt Trường Sơn vào Nam tham gia chiến đấu, với biệt danh Lê Liên Xuân, còn tên “cúng cơm” Lê Thị Bạch Cát gửi lại đất Bắc.

Trong thời gian hoạt động ở chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tại chiến khu Tây Nam bến Cát, tỉnh Bình Dương (từ tháng 7 - 12/1965), đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã “tiếp nhận, cảm hóa, thu phục và giác ngộ” được số lượng lớn sinh viên, trí thức đứng về phía cách mạng góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền vận động Nhân dân đứng lên chống Mỹ xâm lược. Tại mặt trận Đà Lạt (từ tháng 12/1965 - 6/1966) đồng chí đã móc nối thành công với cơ sở cách mạng bí mật 36/Sào Nam và số 5 ấp Nghệ Tĩnh; trực tiếp chỉ đạo, lập Hội Nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ, đề xuất phương án chuyển những cuộc đấu tranh riêng lẻ “kêu gọi, hưởng ứng” thành phong trào “đấu tranh chính trị” sâu rộng, thực chất “đòi quân Mỹ rút toàn bộ binh linh về nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”. Kết quả đã tạo ra được cuộc biểu tình ngày 29/3, diễn ra tại trung tâm chợ Hòa Bình với trên 5 ngàn sinh viên, học sinh, tiểu thương, công nhân và Nhân dân tham gia, chiếm giữ Đài phát thanh Đà lạt từ sáng ngày 30/3 đến 4/4/1966. Trong thời gian hoạt động tại Đà Lạt, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã cùng với đồng chí của mình phát triển được 140 cơ sở cách mạng bí mật, 10 du kích mật, gây dựng “lõm” chính trị (căn cứ lòng dân) tại 8 ấp, làm cho phong trào cách mạng lan tỏa từ trung tâm thành phố Đà Lạt ra các vùng nông thôn và “lõm” chính trị.

Tại mặt trận Sài Gòn, trên cương vị là một “điệp viên”, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã làm rất nhiều nghề khác nhau như thợ may, công nhân thu dọn bao bì, vỏ hộp ở nhà máy, khu công xưởng, người bán rau, củ quả, trứng gà, vịt.v.v... tại các chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Định... nhờ đó đã gây dựng được 12 cơ sở bí mật đầu mối tại 3 quận nội đô Sài Gòn. Kết thúc đợt 1, Chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4 do Lê Thị Bạch Cát lãnh đạo đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tổ chức treo cờ giải phóng thời khắc giao thừa tết Mậu Thân tại số 225/hẻm Hiệp Thành và bến Vân Đồn. Trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy tiền phương là “không trông chờ, không ỷ lại ngoại biên, tiến công, khởi nghĩa chiếm lĩnh đường phố”, đồng chí Lê Thị Bạch Cát (bí danh Sáu Xuân) đã cùng các đồng chí của mình triển khai lực lượng chiến đấu. Tại hẻm 83/2 Đề Thám, phường Cô Giang, Quận nhì (nay là Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), Tiểu đội võ trang tuyên truyền do đồng chí Lê Thị Bạch Cát chỉ huy đã ngoan cường chiến đấu giữ từng tấc đất, bờ tường, đẩy lui nhiều đợt tấn công của cả một tiểu đoàn địch. Song do chênh lệch quá lớn về lực lượng và vũ khí so với quân địch. Đứng trước khó khăn bất cập nói trên Lê Thị Bạch Cát đã yêu cầu đồng đội trao lại lựu đạn cho mình và ra lệnh cho các đội viên rút lui để bảo toàn lực lượng, riêng bản thân ở lại bắn ngăn chặn địch, thu hút hỏa lực địch về phía mình để đồng đội tìm cách rút lui. Dù bị trọng thương, đồng chí Lê Thị Bạch Cát vẫn gắng gượng nhằm họng súng vào quân địch nhả đạn, khi súng AK hết đạn, đồng chí rút ngay khẩu súng ngắn mang theo hạ gục từng tên địch và chụp từng trái lựu đạn địch chưa nổ ném trả tiêu diệt chúng. Giằng co chiến đấu đến khi hết đạn; địch kêu gọi đầu hàng rồi hò nhau tóm sống đồng chí. Thay lời đáp, đồng chí đã dùng trái lựu đạn duy nhất còn lại diệt thêm 4 tên địch trước khi trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 05/5/1968 tại hẻm 83 đường Đề Thám. Trong lúc mặt trận rất găng, giặc tăng cường lính Mỹ và cảnh sát, chúng đã kéo xác đồng chí Lê Thị Bạch Cát vứt ra đường và đưa đi thủ tiêu.

Hành động của đồng chí Lê Thị Bạch Cát là ý chí của người chỉ huy, lãnh đạo đơn vị với sự quyết đoán, bản lĩnh vững vàng, ngay cả trong thời khắc sinh tử vẫn ngoan cường chiến đấu, xứng đáng phẩm chất anh hùng. Hành động anh hùng, nghĩa cử cao đẹp, tấm gương hy sinh anh dũng của Nữ Đội trưởng Biệt động Sài Gòn Lê Thị Bạch Cát đã truyền cảm hứng cách mạng cho đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào cả hai miền Nam, Bắc.

Ở tuổi 28, nữ chiến sĩ cách mạng Lê Thị Bạch Cát đã ngã xuống mảnh đất Sài Gòn, sự hi sinh của đồng chí là một mất mát to lớn không chỉ đối với gia đình, đồng đội mà còn đối với cả Trường Đại học Vinh, nơi cô từng gắn bó.. Cảm phục và tri ân sâu sắc công lao của đồng chí, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã lập bia “dẫn tích” để ghi công, tưởng nhớ tại hẻm 83/2 Đề Thám; lập bàn thờ ở đền Nhơn Hòa Quận 1, đặt tên Lê Thị Bạch Cát cho một con đường và một ngôi trường trung học cơ sở ở Quận 11; Đoàn Thanh niên Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát động giải thưởng Lê Thị Bạch Cát, dành cho những đoàn viên ưu tú trong công tác đoàn. Tại thị xã Cửa Lò (nay là thành phố Vinh) quê hương của nữ Anh hùng Liệt sỹ, đã có một ngôi trường THCS và một con đường vinh dự được mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Là một Nữ chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, người đã chiến đấu âm thầm và quả cảm, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã để lại tấm gương rất đẹp về tinh thần cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước với lòng dũng cảm ngoan cường, mưu trí, linh hoạt, gan dạ, kiên trung, dấn thân vì đồng đội. Ngày 20/9/2024, Chủ tịch nước ký Quyết định số 934/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân" cho liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của đồng chí trong kháng chiến chống Mỹ.

50 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1957, 57 năm kể từ ngày đồng chí Lê Thị Bạch Cát anh dũng hy sinh, nhưng hình ảnh về nữ nhà giáo Anh hùng cùng những cống hiến to lớn của hơn 1.300 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc đã thắp sáng ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay. Đó không chỉ là những trang sử hào hùng mà còn là lời nhắc nhở, là động lực mạnh mẽ để thế hệ trẻ tiếp tục phấn đấu vì sự phát triển của Trường Vinh thân yêu, vì một Việt Nam hùng cường.