1
Bạn cần hỗ trợ?
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
14:45 28/07/2021

Nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021)


Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), Trường Đại học Vinh đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên Nhà trường.

Ngày 26/7/2021, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cùng đại diện cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên đã đến dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Kim Liên; dâng hoa, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào.

Tại Khu di tích lịch sử Kim Liên, kính dâng lẵng hoa và nén hương thơm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đã đại diện cho toàn thể cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao to lớn của Người; vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhân dân ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.

Tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn đã trang trọng đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại các nơi đây. Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên Trường Đại học Vinh mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sĩ. Các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên của Nhà trường sẽ luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, phấn đấu xây dựng và phát triển Nhà trường ngày càng bền vững.

Sáng ngày 27/7/2021, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên đã đến thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An và Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh tâm thần kinh tỉnh Nghệ An.

Tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, GS.TS Nguyễn Huy Bằng đã thay mặt tập thể cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên của Nhà trường gửi lời tri ân sâu sắc tới các gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh đã có công lao to lớn, hy sinh xương máu, tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập của dân tộc, vì hoà bình đất nước. Nhà trường khẳng định luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, động viên, giúp đỡ các sinh viên là con em các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ để các em nỗ lực, phấn đấu vươn lên để đạt kết quả cao trong học tập.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), lãnh đạo Nhà trường làm Lễ dâng hương tại Nhà truyền thống tưởng nhớ các liệt sĩ là cán bộ, sinh viên của Nhà trường đã xếp bút nghiên để đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước. Nhà trường cũng đã thăm và tặng quà cho gần 150 cán bộ, viên chức và thân nhân gia đình liệt sĩ của Nhà trường là thương binh, bệnh binh sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường nay trở về và có nhiều đóng góp trên mặt trận khoa học, giáo dục.

Khu di tích lịch sử Kim Liên là khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây Là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia và là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được đánh giá là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, khu di tích Kim Liên được Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Hằng năm, khu di tích đón tiếp hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước tới viếng thăm.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Nơi đây, ngày 24/7/1968, mười nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã hy sinh trong một trận oanh tạc của Không lực Hoa Kỳ. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Truông Bồn là một địa danh thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A trong kháng chiến chống Mỹ. Tại nơi đây, vào ngày 31/10/1968, mười ba thanh niên xung phong đại đội C317 TNXP Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong một trận oanh tạc đầy bất ngờ của Không lực Hoa Kỳ khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là đến thời điểm 0 giờ ngày 01/11/1968 - thời điểm không quân Mỹ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. Truông Bồn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1996; được tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, xây dựng thành Khu di tích đặc biệt. Năm 2008, "Tiểu đội thép" C317, TNXP Truông Bồn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào nằm ở thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, là nơi tập trung các phần mộ các liệt sĩ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại nước Lào. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976. Đến năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào.

Nguồn: TT.ĐHV

Tin tức liên quan

Mới cập nhật

© 2015 Bản quyền của Trường Đại học Vinh
Địa chỉ: 182 Lê Duẩn - Thành Phố Vinh - tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (038)3855452 Fax: (038)3855269 Email: vinhuni@vinhuni.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng CTCT-HSSV
Ghi rõ nguồn "Cổng TT Đại học Vinh" khi sử dụng lại nội dung trên cổng thông tin.